Sáng 29/10/2019, ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch số 8818/KHPH-TAND-CTHA-STP-HTTTM (Kế hoạch 8818) về việc phối hợp nâng cao hiệu quả hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2018-2020. Tham dự cuộc họp có đại diện Phòng Bổ trợ tư pháp (ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng), đại điện TAND TPHCM (TP. Nguyễn Thị Thùy Dung, Chánh tòa Kinh tế), đại diện Cục THADS TPHCM, đại diện Hội Trọng tài thương mại TPHCM (LS. Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội) và đại diện của một số Trung tâm trọng tài thương mại đặt trụ sở tại TPHCM. Về phía Trung tâm trọng tài thương mại HTA, có PGS.TS Phan Huy Hồng, Chủ tịch trung tâm và Ths. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trọng tài viên sáng lập, tham dự.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Vũ thông tin về các hoạt động thực hiện Kế hoạch số 8818, cũng như tình hình hoạt động của các Trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố. Theo đó, năm 2018 các Trung tâm trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố đã thụ lý 5.898 vụ tranh chấp, trong số đó đã giải quyết và ban hành phán quyết trọng tài đối với 5.777 vụ tranh chấp. Như vậy, số vụ tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài năm 2018 tăng cao so với các năm trước. Tuy nhiên, theo đại diện của một Trung tâm trọng tài thương mại thì tranh chấp hợp đồng tín dụng chiếm một tỉ lệ cao trong tổng số các vụ tranh chấp.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Chánh tòa Tòa Kinh tế TAND TP. Hồ Chí Minh, thông tin, trong năm 2018 TAND TP. Hồ Chí Minh đã thụ lý 102 đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài (PQTT), nhưng chỉ ra quyết định hủy 04 PQTT. Như vậy, tỉ lệ PQTT bị hủy trên tổng số PQTT chỉ là 0,069%, tỉ lệ PQTT bị hủy trên tổng số đơn yêu cầu hủy cũng chỉ là 3,9%. Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung thì đây là một tỉ lệ “lý tưởng”, cho thấy hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trên địa bàn Thành phố đã đạt chất lượng rất cao. Hội đồng xét đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài luôn luôn cẩn trọng trong việc xem xét và ra quyết định, bởi Quyết định của Hội đồng xét đơn là quyết định cuối cùng.
Tuy nhiên, đại diện của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh cho biết, một số trường hợp thi hành PQTT gặp khó khăn hoặc bị kéo dài thời gian do PQTT có nội dung không rõ ràng, xác định tài sản thi hành án không chính xác. Trước câu hỏi của đại diện một Trung tâm trọng tài thương mại về cơ chế “đẩy nhanh” việc cưỡng chế thi hành PQTT, đại diện của Cục THADS TP. Hồ Chí Minh khẳng định, không có cơ chế riêng cho việc thi hành PQTT, mà việc thi hành PQTT được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục chung.
Trước ý kiến của LS. Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh, về việc có trường hợp Trung tâm trọng tài thương mại không được thông báo kết quả việc xét đơn yêu cầu hủy PQTT, Chánh tòa Kinh tế Nguyễn Thị Thùy Dung hứa sẽ xem xét, rà soát quy trình liên quan.
Các bên tham gia cuộc họp còn trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan với Hội Trọng tài thương mại TP. Hồ Chí Minh và các Trung tâm trọng tài thương mại về việc phổ biến rộng rãi phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, thúc đẩy, nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài thương mại trên địa bàn Thành phố, nhằm cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp một phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả, góp phần giảm áp lực cho tòa án.