Giới thiệu về Hòa giải thương mại
Là phương thức giải quyết tranh chấp có sự tham gia của Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải
Hòa giải thương mại được đề cập ở đây là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án, được tiến hành theo một trình tự, thủ tục pháp định. Khác với thương lượng, hòa giải giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, hòa giải thương mại với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án có sự tham gia của một chủ thể trung gian, đó là Hòa giải viên thương mại.
Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ các bên giải quyết tranh chấp. Hòa giải viên thương mại bao gồm Hòa giải viên thương mại vụ việc và Hòa giải viên thương mại của tổ chức hòa giải thương mại. Hòa giải viên thương mại vụ việc là người đăng ký làm Hòa giải viên thương mại vụ việc tại Sở tư pháp nơi người đó thường trú (hoặc nơi người đó tạm trú đối với người nước ngoài) theo một thủ tục luật định. Còn Hòa giải viên thương mại của Tổ chức hòa giải thương mại là người được Tổ chức đó xét chọn làm Hòa giải viên thương mại. Tổ chức hòa giải thương mại bao gồm Trung tâm hòa giải thương mại và Trung tâm trọng tài đồng thời thực hiện hoạt động hòa giải thương mại.
Để giải quyết tranh chấp thương mại
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, mọi tranh chấp có thể được giải quyết bằng trọng tài thương mại cũng đều có thể được giải quyết bằng hòa giải thương mại. Đó là, (i) tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại, (ii) tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại và (iii) tranh chấp giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng hòa giải thương mại.
Để có thể giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên cần có thỏa thuận về giải quyết tranh chấp bằng phương thức này, gọi là “thỏa thuận hòa giải”. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước, sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, khác với phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các bên thỏa thuận hòa giải có thể đồng ý hoặc từ chối hòa giải mặc dù đã thỏa thuận hòa giải.
Kết quả hòa giải thành ràng buộc các bên
Trong quá trình hòa giải, nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa giải về việc giải quyết toàn bộ hoặc một phần tranh chấp, Hòa giải viên thương mại sẽ lập Văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự. Nghĩa là, thỏa thuận hòa giải thành ràng buộc các bên như các thỏa thuận hợp đồng khác; bên không thực hiện, thực hiện không đúng thỏa thuận hòa giải thành phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đối với bên kia.
Tuy nhiên, cũng như mọi thỏa thuận hợp đồng khác, bản thân thỏa thuận hòa giải thành trong thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại chưa có giá trị cưỡng chế thi hành như bản án hay phán quyết trọng tài có hiệu lực.
Kết quả hòa giải thành được Tòa án công nhận có thể được cưỡng chế thi hành
Khi đạt được kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại, các bên có thể tự nguyện thực hiện kết quả hòa hòa giải thành đó mà không phải thực hiện thêm bất cứ một thủ tục nào. Tuy nhiên, để bảo đảm rằng mỗi bên sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình theo kết quả hòa giải thành, các bên cũng có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành đó. Hoặc trường hợp một bên không thực hiện hoặc không thực hiện đúng thỏa thuận hòa giải thành thì bên kia cũng có thể yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành. Kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại được Tòa án công nhận có thể được cưỡng chế thi hành như bản án của Tòa án hay Phán quyết trọng tài có hiệu lực.
Để được Tòa án công nhận, kết quả hòa giải thành thông qua thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
Hòa giải viên thương mại, bằng chuyên môn và nghiệp vụ của mình, sẽ đảm bảo để kết quả hòa giải thành đáp ứng các điều kiện để được Tòa án công nhận.
Hòa giải thương mại còn có nhiều ưu điểm khác
Tính bí mật
Tương tự phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các bên tranh chấp và Hòa giải viên trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại cũng có nghĩa vụ giữ bí mật các thông tin liên quan vụ tranh chấp trước bất kỳ cá nhân, tổ chức hay cơ quan nhà nước, trừ phi các bên tranh chấp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật quy định khác. Hơn thế nữa, Hòa giải viên còn phải giữ bí mật thông tin của một bên mà mình có được thông qua các trao đổi hay cuộc họp riêng với bên đó trước bên tranh chấp còn lại, trừ phi được bên đó đồng ý.
Tính linh hoạt
Thủ tục giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại còn linh hoạt hơn cả thủ tục giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Hòa giải viên có quyền chủ động liên lạc, trao đổi hay họp riêng với mỗi bên tranh chấp; mỗi bên tranh chấp cũng có thể chủ động đề xuất liên lạc, trao đổi hay họp riêng với Hòa giải viên. Hòa giải viên và các bên tranh chấp có thể thỏa thuận với nhau về thời gian, địa điểm tổ chức (các) phiên họp chung. Thủ tục hòa giải cũng có thể chấm dứt bất cứ lúc nào khi một hoặc các bên tuyên bố không muốn tiếp tục hòa giải hoặc Hòa giải viên nhận thấy việc tiếp tục tiến hành hòa giải sẽ không đi đến kết quả hòa giải thành.
Việc hòa giải không thành không ảnh hưởng đến việc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài hoặc Tòa án về sau
Khi việc giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại không đi đến kết quả hòa giải thành, thì bất kỳ tài liệu hoặc bất kỳ thông tin nào chỉ có thể có được thông qua thủ tục hòa giải đều không được sử dụng làm chứng cứ trong các thủ tục tố tụng tại tòa án, trọng tài hoặc các thủ tục tố tụng khác sau này. Các bên không được yêu cầu Hòa giải viên làm nhân chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào đối với tranh chấp đã qua thủ tục hòa giải hoặc tranh chấp khác phát sinh từ cùng giao dịch đó. Điều đó giúp các bên có thể thể hiện ý kiến, quan điểm hay đưa ra các đề xuất trong thủ tục hòa giải thương mại mà không lo ngại chúng có thể bị sử dụng để chống lại mình trong các thủ tục tố tụng khác.
Tải file Giới thiệu Hoà giải thương mại tại đây!