CHỌN TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TRỌNG TÀI
Khi giao kết hợp đồng có thỏa thuận trọng tài, các bên thường không để ý việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài. Mặc dù các bên vẫn có thể thỏa thuận bổ sung về vấn đề này khi tranh chấp xảy ra, nhưng lúc này việc đạt được thỏa thuận có thể trở nên khó khăn hơn. Trong khi đó, việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài có thể giúp các bên làm chủ tốt hơn quá trình tố tụng trọng tài. Cũng như việc đặt niềm tin vào một Trung tâm trọng tài nhất định, các bên có thể đặt niềm tin vào một Tòa án nhất định bằng cách lựa chọn trước Tòa án đó.
Bài viết ngắn này thông tin đến doanh nghiệp quy định của pháp luật về thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài quy chế (Trung tâm trọng tài) và đưa ra một số chỉ dẫn hữu ích cho các bên hợp đồng về việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động của Trọng tài quy chế.
Thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài quy chế
Tòa án có vai trò nhất định trong tố tụng trọng tài nói chung. Riêng đối với giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế, Tòa án có thẩm quyền:
-
- Giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài;
- Giải quyết yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ;
- Giải quyết yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Giải quyết yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng; và
- Giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.
Quyền lựa chọn Tòa án có thẩm quyền
Đối với tất cả các việc nêu trên, pháp luật về trọng tài thương mại cho phép các bên thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền. Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền trước hoặc sau khi tranh chấp xảy ra. Việc thỏa thuận lựa chọn Tòa án đối với hoạt động trọng tài phải đảm bảo nguyên tắc chỉ có một Tòa án có thẩm quyền đối với một hoạt động trọng tài hoặc tất cả hoạt động trọng tài.
Trường hợp các bên không lựa chọn Tòa án có thẩm quyền
Nhưng nếu các bên không sử dụng quyền lựa chọn nêu trên thì theo quy định của pháp luật về trọng tài thương mại, các Tòa án cấp tỉnh khác nhau sẽ có thẩm quyền giải quyết các việc khác nhau liên quan đến hoạt động của trọng tài quy chế, cụ thể như sau:
-
- Đối với giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định. Nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định là nơi được ghi trong quyết định của Hội đồng trọng tài.
- Đối với giải quyết yêu cầu Tòa án thu thập chứng cứ thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi có chứng cứ cần được thu thập.
- Đối với giải quyết yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi biện pháp khẩn cấp tạm thời cần được áp dụng;
- Đối với giải quyết yêu cầu Tòa án triệu tập người làm chứng thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi cư trú của người làm chứng; và
- Đối với giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài. Nơi Hội đồng trọng tài đã tuyên phán quyết trọng tài là nơi được ghi trong Phán quyết trọng tài.
Thỏa thuận lựa chọn hay không thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền?
Lựa chọn hay không lựa chọn Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài nói chung, hoạt động của trọng tài quy chế nói riêng là quyền và phụ thuộc vào sự cân nhắc của các bên hợp đồng.
Nếu các bên hợp đồng (sau này là các bên tranh chấp) nhìn nhận quy định của pháp luật về tòa án có thẩm quyền đối với tất cả các việc nêu trên là phù hợp rồi thì không cần có bất cứ thỏa thuận nào về việc này.
Nhưng nếu các bên muốn một Tòa án duy nhất có thẩm quyền đối với tất cả các việc nêu trên thì một thỏa thuận về việc này là cần thiết. Tương tự, các bên cũng phải thỏa thuận, nếu muốn Tòa án khác so với quy định của pháp luật có thẩm quyền đối với một, một số hoặc tất cả các việc nêu trên.
Chỉ dẫn thỏa thuận lựa chọn Tòa án có thẩm quyền
Trung tâm trọng tài thương mại HTA đề xuất nội dung thỏa thuận chọn Tòa án có thẩm quyền trong Thỏa thuận trọng tài như sau:
-
- Chọn Tòa án duy nhất có thẩm quyền:
”Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài là Tòa án nhân dân tỉnh/thành phố …”
-
- Chọn một hoặc một số Tòa án có thẩm quyền đối với một hoặc một số việc liên quan đến giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quy chế:
”Tòa án có thẩm quyền đối với … (ví dụ: giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài) là Tòa án nhân dân tỉnh/thành phố ….
Tòa án có thẩm quyền đối với … (ví dụ: giải quyết yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) là Tòa án nhân dân tỉnh/thành phố ….
Tòa án có thẩm quyền đối với các việc khác là Tòa án theo quy định pháp luật.”