THỦ TỤC RÚT GỌN
TẠI TRUNG TÂM TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI HTA
Thủ tục rút gọn tại Trung tâm trọng tài thương mại HTA không phải là một thủ tục tố tụng trọng tài độc lập, mà chỉ là sự “rút gọn” thủ tục tố tụng trọng tài ở một số điểm, nhưng có thể đem đến cho các bên tranh chấp những lợi ích đáng kể.
Điều kiện áp dụng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Quy tắc tố tụng trọng tài của HTA (“Quy tắc”), Thủ tục rút gọn được áp dụng nếu các bên có thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn.
HTA gợi ý các bên nội dung thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn như sau:
“Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến Hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm trọng tài thương mại HTA (HTA) theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này.
Các bên thỏa thuận rằng tố tụng trọng tài sẽ được tiến hành theo Thủ tục rút gọn quy định tại Điều 33 của Quy tắc tố tụng trọng tài của HTA.”
Thủ tục rút gọn có gì khác?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 33 Quy tắc, khi tiến hành Thủ tục rút gọn, các quy định sau đây được áp dụng: (i) Hội đồng trọng tài gồm Trọng tài viên duy nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác; (ii) Trung tâm hoặc Hội đồng trọng tài có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc này; (iii) Hội đồng trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, videoconference hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên.
Thủ tục rút gọn đem lại lợi ích gì cho các bên tranh chấp?
Thứ nhất, trừ khi các bên có thỏa thuận khác, Hội đồng trọng tài (chỉ) gồm Trọng tài viên duy nhất. Riêng điều này đã giúp thời gian dành cho việc thành lập Hội đồng trọng tài trong Thủ tục rút gọn được rút ngắn đáng kể so với việc thành lập Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên.
Thứ hai, theo Biểu phí trọng tài của HTA, trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Trọng tài viên duy nhất, thì mức phí trọng tài (chỉ) bằng 70% mức phí trọng tài áp dụng đối với trường hợp vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên.
Thứ ba, Trung tâm (trước khi Hội đồng trọng tài được thành lập) hoặc Hội đồng trọng tài (sau khi được thành lập) có thể rút ngắn bất kỳ thời hạn nào được quy định trong Quy tắc. Dựa vào quy định này, Trung tâm hoặc Hội đồng trọng tài, trên cơ sở xem xét tính chất và mức độ phức tạp của vụ tranh chấp, hoàn cảnh thực tế hay mong muốn của các bên, mà quyết định áp dụng các thời hạn ngắn hơn so với thủ tục thông thường, để vụ tranh chấp được giải quyết nhanh chóng hơn. Chẳng hạn, thời hạn gửi Bản tự bảo vệ có thể được rút ngắn từ 30 ngày còn 15 ngày hoặc ít hơn nếu tính chất của vụ tranh chấp không quá phức tạp.
Thứ tư, Quy tắc cho phép Hội đồng trọng tài căn cứ vào tài liệu và chứng cứ hiện có để tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên, trừ khi có sự phản đối của một bên. Việc Hội đồng trọng tài quyết định tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không cần sự có mặt của các bên sẽ giúp các bên tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, ăn ở. Tuy nhiên, nếu thấy việc tiến hành phiên họp giải quyết tranh chấp mà không có sự có mặt của các bên là không đảm bảo quyền và lợi ích của mình, bất kỳ bên nào cũng có quyền phản đối điều đó. Khi đó, Hội đồng trọng tài sẽ triệu tập các bên tham dự Phiên họp giải quyết tranh chấp.
Thứ năm, Quy tắc còn cho phép Hội đồng trọng tài có thể tiến hành phiên họp giải quyết vụ tranh chấp bằng hình thức teleconference, videoconference hoặc các hình thức thích hợp khác, trừ khi có sự phản đối của một bên. Quy định này giúp tận dụng các lợi ích mà công nghệ truyền thông mang lại như tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở cho các bên. Nhưng nếu bất kỳ bên nào thấy điều đó là không phù hợp thì có quyền phản đối. Khi đó Hội đồng trọng tài sẽ tiến hành Phiên họp giải quyết vụ tranh chấp theo hình thức thông thường, có sự hiện diện vật lý của các bên tại Địa điểm trọng tài.
Chung quy lại là Thủ tục rút gọn có thể giúp việc giải quyết vụ tranh chấp được hành nhanh chóng hơn, có thể giúp các bên tiết kiệm hơn Phí trọng tài, các chi phí đi lại, ăn ở.
Cần niềm tin vào Trọng tài viên duy nhất
Mặc dù thỏa thuận áp dụng Thủ tục rút gọn, các bên tranh chấp vẫn có thể thỏa thuận vụ tranh chấp được giải quyết bởi Hội đồng trọng tài gồm 3 Trọng tài viên (ngay trong thỏa thuận trọng tài ban đầu, hoặc sau đó), nhưng nếu các bên không thỏa thuận như vậy, Hội đồng trọng tài sẽ chỉ gồm Trọng tài viên duy nhất.
Như vậy, các bên cần có niềm tin vào năng lực chuyên môn, sự vô tư, khách quan của Trọng tài viên duy nhất mà họ sẽ chọn. Trọng tài viên thuộc Danh sách Trọng tài viên của HTA đều cam kết tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Trọng tài viên. Danh sách Trọng tài viên của HTA cung cấp cho các bên tranh chấp đầy đủ sự lựa chọn Trọng tài viên có năng lực chuyên môn và giàu kinh nghiệm về các lĩnh vực hoạt động thương mại khác nhau.
Xem thêm: https://hta-arbitration.vn/trong-tai/quy-tac-dao-duc-trong-tai-vien/